Gợi ý danh sách hành lý khi lần đầu du học Nga

Việc chuẩn bị hành lý trước khi sang Nga du học là một bước quan trọng, đặc biệt với các bạn lần đầu ra nước ngoài. Du học sinh cần sắp xếp hành lý hợp lý để vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ban đầu, vừa không vượt quá giới hạn cân nặng cho phép của hãng hàng không.

Thông thường, các hãng như Aeroflot cho phép ký gửi 2 kiện hành lý mỗi kiện 23kg, và xách tay 10kg; còn với Vietnam Airlines, mức xách tay có thể lên tới 12kg. Tuy nhiên, nếu bay nội địa tiếp sau khi nhập cảnh, bạn cần lưu ý vì chặng nội địa tại Nga thường chỉ cho phép 1 kiện hành lý ký gửi.

Đôi lúc việc cần cân nhắc mang những gì và không mang những gì cũng là việc đau đầu cho các bạn du học sinh. Thông thường đối với hành trang của du học sinh đi Nga thì họ sẽ gặp 3 trường hợp phân vân:

  • Loại 1: Tối cần thiết, không thể không mang
  • Loại 2: Cần thiết và cũng rất cần
  • Loại 3: Mang theo thì nặng, không mang thì tiếc

Trước tiên là về tài chính, tiền mặt các bạn không cần mang quá nhiều, nếu có thể các bạn đổi ra tiền rub khoảng 100 usd để đề phòng các trường hợp cần sử dụng ở sân bay, ký túc xá. Ngoài ra là khoảng 500-1000 usd chi tiêu ban đầu. Sau đó chờ tiền chuyển sang sẽ an toàn hơn.

Dưới đây là danh sách các vật dụng cần thiết được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của du học sinh Nga nhiều năm qua.

Giấy tờ phục vụ cho chuyến bay

Đây là thứ nhẹ nhất, thông thường chỉ 500g-1kg, nhưng vì tầm quan trọng của các giấy tờ này, chúng nên là những thứ đầu tiên bạn chuẩn bị: Hộ chiếu gốc kèm visa, vé máy bay, Giấy mời (nếu có) các bạn để cẩn thận trong 1 ngăn của hành lý xách tay hoặc balo vì đây là những loại giấy tờ thường xuyên sử dụng trong suốt hành trình bay!

Nên mua một cái túi nhựa đựng hết số giấy tờ. Nếu có thể hãy trang bị 1 chiếc túi nhỏ đeo chéo quanh ngực để đựng giấy tờ tùy thân và điện thoại.

Tài liệu học tập và thiết bị điện tử

  • Vở: 3–5 cuốn (chỉ nên mang ít, sang Nga mua thêm sau)
  • Bút bi: 1 hộp
  • Máy tính cầm tay Casio (đặc biệt quan trọng nếu học các ngành kỹ thuật, kinh tế)
  • Laptop (nên có bảo vệ, chống sốc)
  • Tai nghe: 1–2 cái
  • Sạc dự phòng
  • Điện thoại + sạc

Quần áo và phụ kiện theo mùa

Không nên mang quá nhiều quần áo rét vì chúng khá nặng và cồng kềnh, các dạng đồ này khi mang sang mặc có thể không hợp thời tiết và thời trang tại Nga. Các bạn hoàn toàn có thể mua tại Nga với giá không hề đắt hơn tại Việt Nam.

Quần áo mùa đông (rất lạnh, nhiệt độ có thể xuống -20 độ C)

  • Áo phao dày: 1–2 cái
  • Áo len: 1–3 chiếc
  • Găng tay, mũ len, khăn len: mỗi loại 1 đôi/cái
  • Quần dài và áo dài tay: 3-5 bộ
  • Tất: 10 đôi (5 dày, 5 mỏng)
  • Giày: 1 đôi thể thao, 1 đôi giày chống trơn trượt. Chú ý không cần thiết mang các loại giày da đế trơn vì không thể đi được khi trời tuyết bên Nga

Mùa hè và đồ mặc trong ký túc

  • Quần áo mỏng: 3–5 bộ
  • Áo phông, quần đùi mặc trong ký túc xá
  • Đồ thể thao mùa hè ở Nga rất đắt, nên mang sang
  • Đồ lót: 5–10 bộ
  • Dép đi trong nhà: 2 đôi
  • Mũ lưỡi trai

Trang phục truyền thống (nếu cần thiết)

  • Áo đoàn, áo cờ đỏ sao vàng
  • Nam: Áo vest + sơ mi (2–3 chiếc)
  • Nữ: Áo dài, áo bà ba, khăn rằn (nếu thích tham gia sự kiện văn hóa Việt)

Đồ sinh hoạt cá nhân

  • Bàn chải đánh răng: 2 cái, kem đánh răng: 1 tuýp
  • Lăn khử mùi, dao cạo râu + lưỡi dao
  • Máy sấy tóc (có thể mua tại Nga nhưng nếu còn cân thì nên mang)
  • Khăn mặt + khăn tắm
  • Mỹ phẩm cơ bản. Đừng nghĩ đàn ông thì không cần mỹ phẩm. Sang đây da khô, mụn lên nhiều do thời tiết lạnh mà khô với dùng nước cứng để sinh hoạt. Mua kem mặt, kem tay, son dưỡng, có nữa thì sữa rửa mặt, để dùng trong mấy hôm cách ly ban đầu mới sang. Còn lại sang đây cũng có.
  • Vỏ chăn, ga giường đơn (nếu bạn ưa sạch sẽ và không muốn dùng đồ ký túc xá)
  • Cốc, bát, đũa, thìa cơ bản (1–2 bộ)
  • Móc treo quần áo 3-5 cái, tùy theo số lượng quần áo mang sang

Thuốc và đồ y tế

  • Thuốc cảm, đau đầu, tiêu hóa, thuốc dị ứng cơ bản
  • Dầu gió, cao dán, bông ngoáy tai
  • Xịt muối biển cho mũi (2 lọ)

Lưu ý: Thuốc ở Nga bán theo đơn, do đó cần chuẩn bị kỹ các loại bạn thường dùng.

Thực phẩm

Tại Nga không thiếu bất cứ thứ gì về thực phẩm, tuy nhiên ở những ngày đầu tiên khi mới sang chưa quen với ẩm thực nước bạn hoặc chưa có điều kiện đi siêu thị, cửa hàng mua đồ ăn ngay. Bạn cũng nên trang bị cho mình 1 vài gói mỳ tôm, đồ ăn nhanh như ruốc đã được hút chân không, và ưu tiên gọn nhẹ

  • Ruốc tôm, thịt (500g–1kg)
  • Muối vừng, lạc rang (300g–500g)
  • Lương khô, mì tôm, bún khô, bánh đa, miến, rau củ sấy (500g-1kg)
  • Gia vị: bột canh, mì chính, ngũ vị hương, mắm tép, hành khô, nấm hương, mộc nhĩ (1kg-2kg). Gia vị kiểu mì chính, bột nêm bên này chỉ có chợ Nga mới có.
  • Cà phê, trà, đồ ăn vặt như khô gà, bò khô, bim bim (1kg-2kg)

Đây là phần nhiều bạn tiếc nuối vì không mang đủ. Mới sang thường ăn chưa quen, đồ Việt giúp thích nghi nhanh và tiết kiệm chi phí ăn ngoài.

Đồ điện tử và nhà bếp

  • Nồi cơm điện loại nhỏ nhất có thể
  • Ấm siêu tốc loại nhỏ nhất có thể (cần thiết cho mùa đông)
  • Chảo nhỏ (ưu tiên nếu còn dư cân ký)

Đồ điện tại Nga tương đối đắt. Nếu mua tại Việt Nam, chất lượng thường tốt hơn trong tầm giá. Ngoài ra nhiều ký túc xá cấm đồ điện, nên nếu cần, hãy mua loại nhỏ nhất.

Một chú ý quan trọng hơn: jack cắm chuyển đổi từ đầu cắm dây điện dẹt sang đầu ổ cắm tròn! Tất cả các ổ cắm tại Nga là dạng hình chân cắm tròn, vì vậy bạn nên trang bị 1 jack cắm chuyển đổi tránh trường hợp không thể xạc pin điện thoại hay laptop.

Một số lưu ý khi chuẩn bị hành lý

  • Ưu tiên đồ dùng phục vụ sinh hoạt ban đầu và sức khỏe, đặc biệt trong tháng đầu tiên khi bạn chưa quen địa hình, chưa thông thạo tiếng Nga.
  • Không cần mang quá nhiều sách vở, dầu gội, mỹ phẩm – các mặt hàng này sẵn có tại Nga với mức giá hợp lý.
  • Đồ ăn nên đóng gói kỹ, hút chân không để đảm bảo khi nhập cảnh không bị giữ lại.
  • Mang đủ tiền mặt và thẻ thanh toán quốc tế, kèm bản scan hộ chiếu, thư mời học, các giấy tờ cần thiết trong hành lý xách tay.
  • Kiểm tra kỹ quy định của hãng bay và sân bay trung chuyển, nhất là khi phải chuyển máy bay tại nội địa Nga.

Chỉ cần chuẩn bị theo danh sách trên là đủ?

Danh sách trên mang tính tham khảo và có thể điều chỉnh tùy theo nhu cầu, ngành học, vùng đến và thời điểm bay. Tuy nhiên, lời khuyên chung cho du học sinh nhận học bổng Nga là: ưu tiên những vật dụng thiết yếu, dễ thiếu khi mới sang – như đồ ăn khô, thuốc, và các thiết bị nhà bếp nhỏ. Đừng quá lo lắng nếu không thể mang đủ mọi thứ, vì bạn hoàn toàn có thể mua thêm tại Nga sau khi ổn định.

Để lại một bình luận 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *


This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.