Hướng dẫn viết Sơ yếu lý lịch xin học bổng Nga
Trong bộ hồ sơ xin học bổng du học Nga, trong nhiều năm qua, Sơ yếu lý lịch là một thành phần bắt buộc và đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện thông tin cá nhân, quá trình học tập và năng lực của ứng viên. Sơ yếu lý lịch là căn cứ để hội đồng xét tuyển đánh giá sự minh bạch, nhất quán, phẩm chất đạo đức, chính trị, nhân thân và mức độ phù hợp của ứng viên với chương trình cấp học bổng du học tại Nga.
Để giúp bạn viết Sơ yếu lý lịch đúng chuẩn, hợp lệ và chuyên nghiệp, dưới đây là hướng dẫn chi tiết từng bước.
Sơ yếu lý lịch xin học bổng Nga là gì?
Sơ yếu lý lịch hay lý lịch trích ngang, lý lịch tự thuật là giấy tờ kê khai các thông tin cá nhân, gia đình và tiểu sử của người khai. Đây là giấy tờ cần thiết trong hồ sơ xin học bổng Hiệp định.
Về mặt pháp lý, bản sơ yếu lý lịch này có vai trò chứng minh tính hợp pháp của một công dân. Còn đối với Bộ Giáo dục & Đào tạo thì đây sẽ là căn cứ để họ tìm hiểu về quá trình trưởng thành của ứng viên.
Mẫu Sơ yếu lý lịch nào được chấp nhận xin học bổng Nga?
Theo yêu cầu từ Cục Hợp tác quốc tế – Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, ứng viên xin học bổng Nga cần nộp Sơ yếu lý lịch theo mẫu của Việt Nam, có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan nơi đang công tác/học tập. Các mẫu Sơ yếu lý lịch này có thể mua tại các nhà sách hoặc tải từ các trang chính thống. Cụ thể, có hai mẫu mà chúng ta được phép sử dụng, đó là
- Sơ yếu lý lịch cá nhân dùng trong công tác tuyển dụng, tuyển sinh
- Sơ yếu lý lịch cho cán bộ công chức theo Thông tư 06/2023/TT-BNV ban hành ngày 4 tháng 5 năm 2023 của Bộ Nội vụ.
Yêu cầu chung khi điền Sơ yếu lý lịch xin học bổng Nga
- Ghi đầy đủ, trung thực, không để trống thông tin quan trọng;
- Không viết tắt, trừ các thuật ngữ phổ biến;
- Không để sai chính tả, ngày tháng năm sinh, hoặc thông tin liên quan;
- Đối với các mục trống, cần phải được gạch chéo trước khi chứng thực.
- Sử dụng bút mực xanh hoặc tím, không dùng bút mực đen, mực đỏ, không dùng bút chì;
- Nếu viết tay, chữ phải rõ ràng, sạch đẹp, tránh tẩy xóa;
- Nếu đánh máy, sử dụng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 12 hoặc 13, canh lề đều hai bên;
- Ký tên đầy đủ, trùng với chữ ký trong các giấy tờ khác của hồ sơ xin học bổng Nga.
Một số lưu ý để tránh bị loại hồ sơ vì Sơ yếu lý lịch
- Sơ yếu lý lịch thiếu xác nhận sẽ không được chấp nhận.
- Ghi thông tin thiếu nhất quán với các giấy tờ khác như học bạ, bằng cấp, hộ chiếu sẽ gây nghi ngờ về tính trung thực.
- Tuyệt đối không làm giả Sơ yếu lý lịch – đây là lỗi nghiêm trọng, có thể bị cấm xét tuyển vĩnh viễn.
Sơ yếu lý lịch viết xong có cần công chứng không?
Sơ yếu lý lịch sau khi kê khai xong thì không cần công chứng nhưng cần mang đi xin xác nhận tại địa phương hoặc cơ quan công tác.
Xác nhận của địa phương hoặc cơ quan công tác
Ở cuối mỗi bản sơ yếu lý lịch đều có lời cam kết và chữ ký người viết nhưng điều này vẫn chưa đủ để chứng minh tính chân thực của thông tin. Theo quy định hiện hành, tất cả các loại giấy tờ đều chỉ có hiệu lực, có giá trị khi đã được các cơ quan hành chính đóng dấu chứng thực. Do đó, ứng viên cần mang hồ sơ tới:
- UBND phường/xã nơi thường trú hoặc tạm trú (nếu là sinh viên, người chưa đi làm tại cơ quan nhà nước) hoặc
- Cơ quan, đơn vị công tác (nếu đang làm việc tại cơ quan nhà nước)
Khi đi chứng thực sơ yếu lý lịch, ngoài bản kê khai đã điền đầy đủ, bạn cần xuất trình các giấy tờ để làm căn cứ như:
- CMND/CCCD/Hộ chiếu trong thời gian hiệu lực: Có thể dùng bản chính hoặc bản sao đã được chứng thực;
- Bản sơ yếu lý lịch đã kê khai đầy đủ và cần chứng thực;
- Ảnh chụp 4*6cm, theo đúng quy định (ưu tiên ảnh chụp nền xanh dương).
Nơi xác nhận sẽ có cán bộ quản lý ký tên, đóng dấu đỏ, xác minh thông tin kê khai của ứng viên là đúng sự thật. Dấu đỏ phải đóng giáp lai vào ảnh, và giáp lai các tờ (nếu chia thành nhiều tờ).
Sơ yếu lý lịch xin học bổng Nga có yêu cầu thời hạn không?
Sơ yếu lý lịch tự thuật sau khi chứng thực thì có thể sử dụng trong bao lâu?
Nếu thông tin không có gì thay đổi thì có thể vẫn sử dụng tờ khai đã được xác thực trước đó hay không?
Về vấn đề này, hiện nước ta vẫn chưa có quy định, điều luật cụ thể nào được đưa ra. Tuy nhiên, thông thường thì Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ yêu cầu bản sơ yếu lý lịch được đóng dấu xác nhận trong vòng 6 tháng trở lại.
Vì thế, dù thông tin của bạn không có gì thay đổi nhưng nếu tờ khai đó đã quá thời hạn nêu trên thì nên viết và chứng thực lại để đảm bảo yêu cầu của hồ sơ học bổng Hiệp định Nga.
Hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch cá nhân xin học bổng Nga
Cách viết sơ yếu lý lịch tự thuật rất đơn giản, chỉ cần dựa theo bản mẫu có sẵn là được. Tuy nhiên, để tờ khai được chỉn chu, đúng chuẩn, không bị trừ điểm khi nộp hồ sơ học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định, bạn hãy tham khảo một số hướng dẫn dưới đây:
- Họ và tên: Đây là phần bạn cần viết in hoa. Nội dung này phải trùng khớp với thông tin trên các giấy tờ tùy thân như Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân.
- Giới tính: Giới tính sinh học là nam ghi nam và nếu bạn là nữ ghi nữ.
- Ngày tháng năm sinh: Bạn cần ghi đúng thông tin ngày tháng năm sinh trùng khớp với thông tin trong giấy tờ tùy thân.
- Nơi đăng ký hộ khẩu đăng ký thường trú: Trình bày rõ thông tin về số nhà, đường, ấp (khu phố), xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố) nơi mà bạn đăng ký thường trú theo đúng quy định của pháp luật.
- Nơi ở hiện tại: Khai rõ thông tin về nơi ở hiện tại, cụ thể về thông tin số nhà, đường phố trực thuộc quận, huyện; tỉnh, thành phố nào.
- Số điện thoại: Hãy điền 1 số điện thoại bạn đang dùng và dễ dàng liên hệ nhất.
- Khi cần báo tin cho ai, ở đâu: Bạn cần ghi rõ về thông tin địa chỉ, số điện thoại của người có thể báo tin khi không liên hệ được với bạn. Ở đây nên là thông tin của người thân trong gia đình như bố, mẹ hoặc anh chị em.
- Bí danh: Ghi rõ bí danh của bản thân hay sử dụng, nếu không có bí danh, thì bạn có thể để trống.
- Nguyên quán: Ghi theo nguyên quán trên Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân.
- Dân tộc: Hãy viết tên dân tộc theo giấy tờ tùy thân. Ví dụ: dân tộc Kinh, dân tộc Tày, dân tộc Thái,…
- Tôn Giáo: Ghi rõ tôn giáo mà mình đang theo. Ví dụ: đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Hồi,… Nếu không theo tôn giáo nào thì bạn điền là Không. Chính thác hơn nên đối chiếu thông tin theo giấy tờ tùy thân.
- Trình độ văn hóa: Viết rõ thông tin 12/12 chính quy hay 12/12 bổ túc văn hóa.
- Trình độ ngoại ngữ: Bạn hãy ghi những bằng cấp, chứng chỉ, trường ngoại ngữ mà bạn có, đã và đang theo học chẳng hạn như Trình độ đại học ngành Ngôn ngữ Nga hay Chứng chỉ IELTS 6.5,…
- Nghề nghiệp và trình độ chuyên môn: Tùy theo trình độ đào tạo chuyên môn của bản thân viết theo loại văn bằng mà mình đã được cấp. Hãy ghi rõ bạn học chuyên ngành nào, học chính quy hay tại chức.
- Ngày và nơi kết nạp Đảng Cộng Sản Việt Nam: Viết rõ thông tin về ngày tháng năm nơi kết nạp Đảng (Chi bộ, Đảng bộ cơ sở, huyện tỉnh hoặc cơ quan Trung Ương). Nếu chưa vào Đảng thì bạn có thể bỏ qua không điền.
- Ngày và nơi kết nạp vào Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh: Viết rõ ngày tháng năm và nơi kết nạp vào Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, thông tin này có trong sổ Kết nạp Đoàn.
- Thành phần gia đình sau cải cách ruộng đất: Điền một trong các nội dung sau: Nông dân, Công chức, Viên chức.
- Thành phần gia đình hiện nay: Phần này có thể điền linh hoạt theo tình hình thực tế, ví dụ Công nhân, Công chức, Giáo viên, Kinh doanh tự do,…
- Hoàn cảnh gia đình: Khai họ tên cha, mẹ (Hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ), anh chị em ruột trong gia đình, vợ/ chồng, con cái. Ở mục này, cần ghi rõ họ tên, năm sinh, quê quán, chỗ ở hiện nay, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế…của từng người.
- Quá trình hoạt động của bản thân: Mục thông tin này chọn lọc thật kỹ những thông tin chính yếu nhất, thông thường sẽ bao gồm tối thiểu 1 cấp học gần nhất, 1 công việc gần nhất: Từ tháng năm đến tháng năm Làm công tác gì? Ở đâu? Giữ chức vụ gì?
- Khen thưởng/Kỷ luật: Ghi những phần khen thưởng hoặc kỷ luật trong quá trình học tập và làm việc trước đây, nếu không có thì bỏ qua. Riêng phần Kỷ luật, nếu bỏ qua phải ghi “Không“, hoặc gạch chéo.
Hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch cán bộ công chức xin học bổng Nga
Phía trên là các mục có trong Sơ yếu lý lịch cá nhân. Hiện nay Thông tư 06/2023/TT-BNV không có quy định cụ thể hướng dẫn cách ghi sơ yếu lý lịch công chức. Tuy nhiên, công chức có thể tham khảo cách ghi sơ yếu lý lịch của sơ yếu lý lịch cá nhân, ngoài ra, có một số điểm bổ sung như sau:
- Nghề nghiệp trước khi được tuyển dụng: Ghi rõ đã làm nghề gì để kiếm sống trước khi được tuyển dụng. Nếu chưa có nghề, sống phụ thuộc vào gia đình, thì ghi cụ thể là “không nghề nghiệp“.
- Ngày được tuyển dụng lần đầu: Ghi rõ ngày, tháng, năm khi viên chức có quyết định tuyển dụng và tên cơ quan ban hành quyết định tuyển dụng.
- Ngày tham gia tổ chức chính trị – xã hội: Ghi ngày, tháng, năm tham gia tổ chức chính trị, chính trị – xã hội như: Đoàn, Hội,… đồng thời ghi rõ làm việc gì trong tổ chức đó.
- Ngày nhập ngũ: Ghi ngày, tháng, năm đi bộ đội, công an và ngày xuất ngũ. Ghi rõ quân hàm hoặc chức vụ cao nhất trong quân đội, công an (nếu có). Nếu có thời gian tái ngũ, thì ghi thêm ngày tái ngũ bên cạnh ngày nhập ngũ.
- Học hàm: Ghi “Không“.
- Danh hiệu được phong tặng cao nhất: Ghi danh hiệu: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú, … (nếu có) và năm được phong tặng.
- Chức danh (chức vụ) hiện tại: Ghi rõ chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chức danh công việc chính hiện tại đang được phân công đảm nhiệm về chính quyền (hoặc Đảng, đoàn thể).
- Chức danh (chức vụ) kiêm nhiệm: Ghi rõ chức danh lãnh đạo, quản lý về chính quyền (hoặc Đảng, đoàn thể) hiện tại đang kiêm nhiệm.
- Công việc chính được giao: Ghi cụ thể tên công việc chính được lãnh đạo phân công đảm nhiệm.
- Sở trường công tác: Ghi làm việc gì thì thích hợp nhất, có hiệu quả nhất (công tác Đảng, đoàn thể; quản lý kinh tế, hành chính, doanh nghiệp; sở trường nghiên cứu về,…, giảng dạy về,…; nghệ nhân gì, viết văn, họa sĩ, ca sĩ, diễn viên, vận động viên,…).
- Chức danh nghề nghiệp: Ghi rõ tên chức danh nghề nghiệp viên chức được bổ nhiệm.
- Ghi rõ mã số chức danh nghề nghiệp viên chức được bổ nhiệm
- Ghi rõ bậc lương, hệ số lương và ngày/tháng/năm được hưởng lương.
- Ghi rõ hệ số phụ cấp chức danh (chức vụ) hoặc phụ cấp khác (nếu có).
- Tình trạng sức khỏe: Ghi rõ tình trạng sức khỏe bản thân hiện tại (tốt, trung bình, kém); có bệnh gì mãn tính, ghi rõ chiều cao cơ thể, ghi rõ cân nặng cơ thể và nhóm máu gì.
- Tóm tắt quá trình công tác: Ghi Chức danh, chức vụ, đơn vị công tác (đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội) kể cả thời gian được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, … theo từng mốc thời gian từ tháng/năm đến tháng/năm.
- Lý luận chính trị: Ghi trình độ lý luận chính trị cao nhất đã được đào tạo, bồi dưỡng như: Cử nhân, cao cấp, trung cấp, sơ cấp.
- Bồi dưỡng quản lý nhà nước/ chức danh nghề nghiệp/ nghiệp vụ chuyên ngành: Ghi chứng chỉ được cấp.
- Đặc điểm lịch sử bản thân: Khai rõ (nếu có ):
- quan hệ với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nào ở nước ngoài (làm gì, tổ chức nào, đặt trụ sở ở đâu ..?)
- thân nhân (Cha, Mẹ, Vợ, Chồng, con, anh chị em ruột) ở nước ngoài (làm gì, địa chỉ …)?
- Quan hệ gia đình: Kê khai các thông tin về gia đình của viên chức và bên vợ (chồng) của viên chức (nếu có). Thông tin bao gồm: Họ tên, Quan hệ, Năm sinh, Quê quán, nghề nghiệp, chức danh, chức vụ, đơn vị công tác, học tập, nơi ở (trong, ngoài nước); thành viên các tổ chức chính trị – xã hội …?)
- Hoàn cảnh kinh tế gia đình: Mô tả theo từng mốc thời gian về mã số, bậc lương, hệ số lương.