Học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định

Học bổng Hiệp định là một chương trình học bổng hấp dẫn, mang lại cơ hội du học miễn phí tại các trường đại học danh tiếng của Nga. Được cấp bởi Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Việt Nam thông qua các hiệp định hợp tác giáo dục, học bổng này giúp sinh viên Việt Nam có cơ hội học tập tại Nga trong các lĩnh vực chuyên môn đa dạng như quân sự, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, y tế, nghệ thuật, sư phạm, xã hội và nhân văn.

Học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định là gì?

Học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định là sự kết hợp hoàn chỉnh giữa Học bổng 1 phía của NgaHọc bổng cấp bù của Chính phủ Việt Nam. Đây là một trong những hình thức học bổng lâu đời nhất tại Việt Nam, đã triển khai bước đâu trong giai đoạn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

  • Học bổng này được trợ cấp từ ngân sách Liên bang Nga dành cho các ứng viên người nước ngoài xuất sắc tại các kỳ thi tuyển chọn diễn ra tại các trường đại học Nga, các cơ quan đại diện của chính phủ Nga, cũng như tại các kỳ thi khu vực và Olympic quốc tế.
  • Chính phủ Việt Nam sẽ chu cấp các khoản chi phí phát sinh trong quá trình sinh sống và học tập của sinh viên Việt Nam tại Nga.

Số lượng chỉ tiêu học bổng 2 phía hàng năm

Hàng năm, chính phủ Liên bang Nga cấp 1000 suất học bổng 1 phía cho Việt Nam. Khoảng 30% trong số này, tương ứng với 300 suất học bổng 2 phía, sẽ được trao cho sinh viên Việt Nam.

Quyền lợi của học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định

  • Chính phủ Liên bang Nga cấp học bổng bao gồm:
    • Miễn 100% học phí cho toàn bộ quá trình học tại các trường đại học công lập của Nga;
    • Nhận trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, dao động từ khoảng 25 – 230 USD/tháng (tùy vào chương trình học và kết quả học tập);
    • Cấp chỗ ở ký túc xá với chi phí thấp, khoảng 10 – 30 USD/tháng;
    • Học dự tiếng Nga 1 năm với toàn bộ chế độ học bổng
    • Giữ mức học bổng trong toàn bộ chương trình học chính quy
    • Không bao gồm: Visa, vé máy bay, lộ phí đi đường, bảo hiểm y tế, vé máy bay, sinh hoạt cá nhân
  • Chính phủ Việt Nam cấp học bổng bao gồm:
    • 100% lệ phí làm hộ chiếu, visa: hộ chiếu 200.000 VND , visa 780.000 VND;
    • Phí đi đường 100 USD;
    • Vé máy bay đi và về được cấp, giá trị tương đương 15 – 20 triệu / lượt bay ;
    • Bảo hiểm y tế theo quy định của các trường, khoảng 100 – 300 USD/năm;
    • Sinh hoạt phí trong toàn bộ thời gian học tập ở Nga: 420 USD/tháng.

Điều kiện và đối tượng xin học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định

  • Học bổng phía Nga bao gồm các điều kiện và đối tượng:
    • Học sinh lớp 12, sinh viên đại học, học viên cao học hoặc nghiên cứu sinh đều có thể đăng ký.
    • GPA từ 7.0 trở lên theo thang 10, hoặc tương đương
    • Đủ sức khỏe để học tập tại nước ngoài (có khám sức khỏe định kỳ)
    • Không yêu cầu biết tiếng Nga trước; không cần chứng minh tài chính.
    • Không phải thi tuyển – hồ sơ được xét qua 2 vòng tuyển chọn của phía Nga.
  • Học bổng phía Việt Nam bao gồm các điều kiện và đối tượng:
    • Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật;
    • Chưa đăng ký dự tuyển chương trình học bổng nào khác tại cùng thời điểm với thông báo này (từ khi thông báo có hiệu lực đến khi có kết quả sơ tuyển);
    • Cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và trở về phục vụ tại cơ quan cử đi học hoặc theo yêu cầu của Nhà nước;
    • Chỉ được đăng ký dự tuyển trình độ đào tạo cao hơn trình độ đã có văn bằng;
    • Đối với trường hợp tốt nghiệp đại học, thạc sĩ ở nước ngoài không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học hoặc tốt nghiệp các chương trình đào tạo phối hợp với nước ngoài tại Việt Nam cần có giấy chứng nhận văn bằng tương đương do Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp khi làm thủ tục đi học.
    • Về thành tích học thuật và kinh nghiệm công tác đáp ứng được các yêu cầu sau:
      • Trình độ đại học (đối với kỳ xét học bổng 2025)
        • Học sinh đang học lớp 12 gồm các đối tượng: i) đã tham gia đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực và đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng; tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và đoạt các giải nhất, nhì, ba; ii) đã đoạt giải tại kỳ thi Olympic tiếng Nga do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức (đối tượng có học tiếng Nga), có kết quả học tập ở bậc THPT đến hết học kỳ I năm học 2024-2025 đạt từ 7,0 trở lên (theo thang điểm 10 hoặc tương đương) và có kết quả trúng tuyển đại học năm 2025 khi làm thủ tục đi học.
        • Sinh viên năm thứ nhất của các đại học, học viện, trường đại học Việt Nam (hệ chính quy tập trung) gồm các đối tượng: i) đã tham gia đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực và đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng; tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và đoạt các giải nhất, nhì, ba; ii) đã đoạt giải tại kỳ thi Olympic tiếng Nga do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức; iii) sinh viên thuộc khối lực lượng vũ trang; iv) sinh viên là con liệt sĩ; v) sinh viên được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử dự tuyển và cam kết nhận trở về công tác sau tốt nghiệp, có kết quả 03 năm học THPT đạt từ 7,0 trở lên và học kỳ I năm thứ nhất đại học đạt từ 7,0 trở lên (theo thang điểm 10 hoặc tương đương).
      • Trình độ thạc sĩ (đối với kỳ xét học bổng 2025)
        • Cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên cơ hữu (có hợp đồng và có thời gian công tác tối thiểu từ 12 tháng trở lên tính đến ngày 30/6/2025, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) đang công tác tại các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục, có trình độ đại học, không quá 40 tuổi (tính đến ngày 30/6/2025);
        • Cử nhân bằng giỏi trở lên và mới tốt nghiệp đại học (trình độ cử nhân). Cụ thể là kết quả học tập đạt loại xuất sắc (bằng đỏ) tại Liên bang Nga/các nước nói tiếng Nga hoặc đạt loại giỏi tại Việt Nam, các nước khác trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/6/2025, không quá 35 tuổi (tính đến ngày 30/6/2025), chưa có quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động (ưu tiên sinh viên đạt danh hiệu ‘‘Sinh viên 5 tốt” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh/Hội sinh viên Việt Nam giới thiệu);
        • Người được Ủy ban nhân dân tỉnh cử đi học: Người có trình độ đại học, có kết quả học tập đạt loại khá trở lên, không quá 35 tuổi (tính đến ngày 30/6/2025), được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử dự tuyển và cam kết nhận trở về công tác sau tốt nghiệp.
      • Trình độ tiến sĩ (đối với kỳ xét học bổng 2025)
        • Cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên cơ hữu (có hợp đồng và có thời gian công tác tối thiểu từ 12 tháng trở lên tính đến ngày 30/6/2025, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) đang công tác tại các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục, có trình độ thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hệ kỹ sư/chuyên gia tại Liên bang Nga (theo chương trình đào tạo 05 năm trở lên), không quá 40 tuổi (tính đến ngày 30/6/2025);
        • Chuyên gia bằng giỏi trở lên và mới tốt nghiệp đại học (trình độ chuyên gia). Cụ thể là kết quả học tập đạt loại xuất sắc (bằng đỏ) tại Liên bang Nga/ các nước nói tiếng Nga (theo chương trình đào tạo 05 năm trở lên) trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/6/2025, không quá 35 tuổi (tính đến ngày 30/6/2025), chưa có quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động; hoặc
        • Thạc sĩ bằng giỏi trở lên và mới tốt nghiệp cao học (trình độ thạc sĩ). Cụ thể là kết quả học tập đạt loại xuất sắc (bằng đỏ) hoặc ở Việt Nam, các nước khác với kết quả học tập đạt từ 8,0 trở lên (theo thang điểm 10 hoặc tương đương) trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/6/2025, không quá 35 tuổi (tính đến ngày 30/6/2025), chưa có quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động;
        • Người được Ủy ban nhân dân tỉnh cử đi học: Người có trình độ thạc sĩ, có kết quả học tập đạt từ 7,0 trở lên (theo thang điểm 10 hoặc tương đương), không quá 35 tuổi (tính đến ngày 30/6/2025), được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử dự tuyển và cam kết nhận trở về công tác sau tốt nghiệp.
  • Không xét tuyển đối với các trường hợp sau:
    • Đã từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học ở nước ngoài nhưng không hoàn thành khóa học hoặc không thực hiện việc báo cáo tốt nghiệp theo quy định;
    • Đang làm việc tại cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục nhưng trong hồ sơ dự tuyển không có văn bản của cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử dự tuyển;
    • Đã được cấp học bổng đi học đại học/sau đại học ở nước ngoài, hiện có các ràng buộc về nghĩa vụ, trách nhiệm hoặc thuộc diện đền bù kinh phí đào tạo;
    • Đã được tuyển chọn đi học nước ngoài nhưng không đi học vì lý do cá nhân (thời hạn áp dụng là 01 năm kể từ ngày nộp đơn xin rút không đi học).

Danh sách hồ sơ cần chuẩn bị để xin học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định

Ứng viên phải nộp đầy đủ hồ sơ trực tuyến trên cổng thông tin điện tử và hồ sơ giấy theo quy định dưới đây:

Hồ sơ trực tuyến xin học bổng phía Nga

  • Ứng viên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đăng ký cũng như trong tờ khai (анкета);
  • Ứng viên phải ký cam kết sử dụng dữ liệu và tài liệu của các cơ quan liên quan (согласие);
  • Ứng viên phải upload đầy đủ các hồ sơ cần thiết bao gồm:
    • Hộ chiếu phổ thông còn hạn trên 18 tháng, bản gốc và bản dịch công chứng;
    • Hồ sơ về kết quả học tập: Bằng, Bảng điểm (học bạ) và các thành tích khác, bản gốc và bản dịch công chứng;
    • Ảnh hồ sơ kích thước 4*6cm được chụp với phông nền màu trắng;
    • Giấy khám sức khỏe tổng quát nêu rõ đủ điều kiện du học Nga kèm các xét nghiệm âm tính với các bệnh: viêm gan A,B,C, Lao phổi và HIV, bản gốc và bản dịch công chứng.

Tất cả hồ sơ dự tuyển được lưu dưới dạng file scan với các định dạng PDF, JPEG (mỗi loại tài liệu scan thành một file riêng).

Hồ sơ trực tuyến xin học bổng phía Việt Nam

  • Ứng viên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đăng ký cũng như trong Phiếu đăng ký dự tuyển, ký và xác nhận của cá nhân. Riêng đối với ứng viên của các bộ, ngành, địa phương, cần làm thêm xác nhận của cơ quan bộ, ngành, địa phương cử dự tuyển;
  • Ứng viên phải ký cam kết nghĩa vụ lưu học sinh được cử đi học ở nước ngoài, có ý kiến bảo lãnh và chữ ký của bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp (Mẫu số 4). Riêng đối với ứng viên của các bộ, ngành, địa phương, cần làm thêm bản cam kết có xác nhận của cơ quan bộ, ngành, địa phương cử dự tuyển;
  • Sơ yếu lý lịch có dán ảnh. Người đang công tác phải sử dụng mẫu theo Thông tư số 06/2023/TT-BNV ngày 04/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
  • Căn cước công dân 2 mặt;
  • Giấy khám sức khỏe của bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, thành phố trong đó xác nhận đủ điều kiện đi học nước ngoài;
  • Kết quả xét nghiệm HIV, các thể viêm gan, Lao phổi;
  • Bằng cấp và thành tích học tập:
    • Học sinh lớp 12: Học bạ và Chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (bổ sung trước 15/8/2025);
    • Sinh viên, học viên năm cuối: Bảng điểm và Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học (bổ sung trước 15/8/2025);
    • Người đã tốt nghiệp: Bảng điểm và Bằng tốt nghiệp;
  • Đối với ứng viên do Ủy ban nhân dân tỉnh cử đi, cần có thêm:
    • Quyết định cử đi học, có dấu và chữ ký hợp lệ;
    • Cam kết tiếp nhận trở về công tác sau khi ứng viên tốt nghiệp, có dấu và chữ ký hợp lệ;
  • Đối với ứng viên diện trường đại học, cơ quan nhà nước cử đi, cần có thêm:
    • Bản sao công chứng các Quyết định tuyển dụng, thuyên chuyển công tác, Hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động
    • Bản sao công chứng Sổ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp ứng viên là người lao động hợp đồng (không phải là công chức, viên chức) hoặc giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan công tác và cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận nếu chưa được cấp sổ bảo hiểm xã hội;
    • Quyết định cử đi học, có dấu và chữ ký hợp lệ;
    • Cam kết tiếp nhận trở về công tác sau khi ứng viên tốt nghiệp, có dấu và chữ ký hợp lệ;

Hồ sơ giấy xin học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định

Ứng viên chuyển hai bộ hồ sơ giấy gồm một bộ bằng tiếng Việtmột bộ bằng tiếng Nga chính thức, đăng ký dự tuyển qua đường bưu điện (gửi thư chuyển phát nhanh bảo đảm), cụ thể như sau:

  • Ứng viên nộp bộ hồ sơ tiếng Nga tới Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, 501 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội;
  • Ứng viên nộp bộ hồ sơ tiếng Việt tới Cục Hợp tác quốc tế – Bộ Giáo dục và Đào tạo, 35 Đại Cồ Việt, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ngoài ra, ứng viên cần chuẩn bị thêm một bộ hồ sơ giấy bằng tiếng Nga để mang sang Liên bang Nga nếu được cử đi học.

Quy trình xét tuyển học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định

  • Quy trình xét tuyển học bổng phía Nga:
    • Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, là cơ quan đại diện của Rossotrudnichestvo tại Việt Nam, tiếp nhận hồ sơ của ứng viên thông qua cổng thông tin điện tử và hồ sơ giấy;
    • Rossotrudnichestvo (Cơ quan liên bang về Cộng đồng các quốc gia độc lập, đồng bào sống ở nước ngoài và hợp tác nhân văn quốc tế) tiếp nhận hồ sơ đã sơ duyệt từ Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội;
    • Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga tiếp nhận hồ sơ đạt tiêu chuẩn đã được duyệt bởi Rossotrudnichestvo;
    • Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga công bố danh sách thí sinh đạt tiêu chuẩn nhận học bổng cho các trường đại học ở Nga để các trường lựa chọn tiếp nhận ứng viên mà trường mong muốn;
    • Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga chỉ định trường cho ứng viên nếu các trường mà ứng viên đăng ký đều không muốn nhận.
  • Quy trình xét tuyển học bổng phía Việt Nam:
    • Hội đồng tuyển chọn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét hồ sơ ứng viên dự tuyển và căn cứ các tiêu chí tuyển chọn để sơ tuyển ứng viên;
    • Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi danh sách các ứng viên được sơ tuyển để đề cử với phía Liên bang Nga;
    • Bộ Giáo dục và Đào tạo khớp thông tin kết quả với kết quả của Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga.

Tiêu chí xét tuyển học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định

Hồ sơ sẽ được lựa chọn theo tiêu chí từ cao xuống thấp. Ưu tiên xem xét ứng viên trong các trường hợp sau:

  • Ứng viên đang công tác tại các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục;
  • Ứng viên đoạt các giải thưởng quốc tế, khu vực, quốc gia và các ứng viên khác thuộc diện ưu tiên theo quy chế tuyển sinh đại học hiện hành;
  • Ứng viên dự tuyển trình độ sau đại học;
  • Ứng viên có nhiều thành tích tốt trong học tập và rèn luyện, thành tích nghiên cứu khoa học (thể hiện qua các bài báo đăng trên tạp chí khoa học hoặc báo cáo tại hội nghị khoa học cấp cơ sở trở lên và được đăng trong kỷ yếu hội nghị hoặc tham gia đề tài nghiên cứu cấp Bộ trở lên và đề tài đó đã được nghiệm thu hoặc ứng dụng);
  • Ứng viên thuộc đối tượng đào tạo theo các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thực hiện, đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của chương trình học bổng này.

Thông báo kết quả và gửi thư mời visa, nhận vé máy bay

Sau khi Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga đã hoàn thành việc phân chỉ tiêu vào các trường, (vào tháng 7 hàng năm), Bộ này sẽ tiến hành gửi thư mời visa cho các ứng viên.

Visa sẽ được dán tại Đại sứ quán Nga ở Hà Nội, các Tổng Lãnh sự quán Nga ở Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh

  • Thời hạn Visa: 90 ngày kể từ ngày cấp, được nhập cảnh 1 lần
  • Lệ phí làm Visa: 780.000 VNĐ nếu làm chậm (7-30 ngày), 1.440.000 nếu làm nhanh (3-7 ngày)
  • Phỏng vấn Visa: Không phải phỏng vấn visa

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo, hướng dẫn và giải quyết thủ tục liên quan tiếp theo để đi học tại Liên bang Nga trong tháng 10, bao gồm phân công chuyên viên phụ trách, đăng ký lịch bay, cấp vé máy bay.

Học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định có khó xin không?

Học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định là một cơ hội du học hấp dẫn nhất cho sinh viên Việt Nam, giúp các bạn có cơ hội học tập tại các trường đại học hàng đầu của Nga mà không phải lo lắng về vấn đề học phí cũng như các chi phí liên quan trong suốt quá trình trước và trong khi học. Tuy nhiên, việc xin học bổng này không phải là điều dễ dàng. Thực tế, việc giành được học bổng Nga 2 phía đòi hỏi các ứng viên phải vượt qua nhiều khó khăn và cạnh tranh gay gắt. Dưới đây là những lý do tại sao học bổng này được coi là rất khó xin.

Số lượng chỉ tiêu ít

Học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định có số lượng chỉ tiêu rất hạn chế mỗi năm. Mặc dù chính phủ Nga cấp nhiều suất học bổng cho sinh viên quốc tế, nhưng đối với Việt Nam, số lượng chỉ tiêu học bổng này chỉ dao động từ 100 đến 300 suất mỗi năm. Trong khi đó, số lượng sinh viên đăng ký xin học bổng này lại rất đông, khiến mức độ cạnh tranh trở nên cực kỳ gay gắt.

Mức độ cạnh tranh cao

Không chỉ có số lượng chỉ tiêu ít, mà các đối thủ cạnh tranh cũng đều là những ứng viên xuất sắc. Các ứng viên đều là những sinh viên ưu tú, có thành tích học tập xuất sắc và tài năng nổi bật, điều này làm cho việc được chọn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Họ không chỉ có thành tích học tập tốt mà còn có nhiều hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, và các giải thưởng quốc tế. Thâm chí, nhiều ứng viên còn đang đương nhiệm các vị trí lãnh đạo trong các bộ, ban ngành, hoặc là các hạt nhân nòng cốt trong các đơn vị quân sự. Điều này khiến cho việc vượt qua đối thủ càng thêm thử thách, nhất là khi các ứng viên phải đối mặt với một quá trình xét tuyển khắt khe từ cả hai phía.

Hồ sơ phức tạp và dễ bị nhầm lẫn, sai sót

Quy trình xin học bổng Nga 2 phía rất chi tiết và phức tạp. Hồ sơ yêu cầu rất nhiều giấy tờ quan trọng như bảng điểm, chứng chỉ tiếng Anh, các văn bản học thuật và các giấy tờ cá nhân, tất cả cần phải được nộp đúng hạn và đúng yêu cầu của phía Nga và phía Việt Nam. Mỗi hồ sơ cần có sự chính xác tuyệt đối, bất kỳ sai sót hay thiếu sót nào có thể khiến ứng viên bị loại ngay từ vòng xét duyệt đầu tiên.

Đặc biệt, việc chuẩn bị hồ sơ đối chiếu giữa các bên (Việt Nam và Nga) rất dễ gây ra sự nhầm lẫn. Các thông tin không khớp hoặc không thống nhất giữa các tài liệu từ hai phía có thể dẫn đến việc hồ sơ bị loại bỏ. Đây là một trong những lý do khiến rất nhiều ứng viên tài năng nhưng lại thiếu sót trong việc chuẩn bị hồ sơ bị loại trong quá trình xét tuyển.

Các yếu tố cần lưu ý để tăng cơ hội trúng tuyển học bổng 2 phía

Dù việc xin học bổng Nga 2 phía rất khó khăn, nhưng không phải là không thể. Để tăng cơ hội trúng tuyển, các ứng viên cần chú ý một số điểm quan trọng:

  • Chuẩn bị hồ sơ cẩn thận: Kiểm tra kỹ càng các thông tin và tài liệu yêu cầu, đảm bảo tất cả thông tin khớp nhau giữa các bên, tránh sai sót.
  • Chứng minh thành tích rõ ràng: Nếu có các giải thưởng, nghiên cứu khoa học hay thành tích nổi bật, hãy làm rõ trong hồ sơ để nổi bật hơn so với các đối thủ.
  • Kiên trì và chuẩn bị kỹ lưỡng: Học bổng Nga 2 phía đòi hỏi các ứng viên phải có sự chuẩn bị kỹ càng, từ việc làm quen với các yêu cầu về hồ sơ đến việc chuẩn bị tốt các kỹ năng cần thiết cho vòng phỏng vấn.
  • Có đơn vị tư vấn hỗ trợ chuyên nghiệp đồng hành: Việc xin học bổng quốc tế, đặc biệt là học bổng Nga, đòi hỏi không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn có sự hiểu biết về quy trình và các yêu cầu đặc thù của từng loại học bổng.

Tóm lại, học bổng Nga 2 phía diện Hiệp định là một cơ hội tuyệt vời, nhưng cũng rất khó để đạt được. Số lượng chỉ tiêu hạn chế, mức độ cạnh tranh cao, và yêu cầu hồ sơ phức tạp khiến cho việc giành được học bổng này không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm vững các yêu cầu và cạnh tranh một cách quyết liệt, cơ hội vẫn có thể mở ra. Hãy coi đây là thử thách để phát huy hết khả năng và chứng minh bản thân trong một hành trình du học đầy hứa hẹn!

Để lại một bình luận 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *


This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.