Hướng dẫn đổi ngành cho học bổng Hiệp định Nga
Việc lựa chọn ngành học khi đăng ký du học theo Học bổng Nga 2 phía theo diện Hiệp định là bước quan trọng, quyết định tính hợp lệ và khả năng được xét tuyển hồ sơ. Theo quy định từ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, sinh viên đang học hoặc đã tốt nghiệp đại học phải đăng ký ngành du học phù hợp với khối ngành đang học hoặc đã tốt nghiệp. Việc chọn sai khối ngành có thể khiến hồ sơ bị loại ngay từ vòng xét duyệt đầu tiên.
Vì sao cần chọn đúng khối ngành khi đăng ký học bổng Nga?
Học bổng Hiệp định 2 phía là chương trình học bổng chính phủ có tính cạnh tranh cao, được phân bổ chỉ tiêu theo từng lĩnh vực ưu tiên. Việc lựa chọn ngành học không đúng chuyên ngành đang theo học hoặc đã tốt nghiệp không chỉ khiến hồ sơ thiếu tính thuyết phục mà còn vi phạm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, dẫn đến bị loại khỏi danh sách xét tuyển.
Do đó, ứng viên cần xác định rõ mình thuộc khối ngành nào, đối chiếu với danh mục khối ngành được phép tuyển sinh theo Danh mục Thống kê ngành đào tạo ban hành kèm theo Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có hiệu lực từ ngày 22/07/2022) và để lựa chọn ngành học phù hợp.
Cách xác định ngành học phù hợp khi đăng ký học bổng Hiệp định
Để xác định ngành đăng ký du học hợp lệ, bạn cần:
- Xác định ngành học hiện tại hoặc ngành đã tốt nghiệp đại học.
- Đối chiếu ngành học đó với danh sách khối ngành trên.
- Lựa chọn ngành đăng ký du học trong cùng khối ngành đã xác định.
Việc này giúp đảm bảo hồ sơ đúng quy định, nâng cao tỷ lệ được xét duyệt, và tránh tình trạng bị loại vì chọn sai ngành.
Lưu ý quan trọng khi làm hồ sơ học bổng Hiệp định
- Không nên chọn ngành khác hoàn toàn với khối ngành đang học hoặc đã tốt nghiệp. Nếu bắt buộc chọn ngành khác, cần phải có sự đề cử từ phía cơ quan, đơn vị công tác (chỉ dành cho diện được nhà nước cử đi học), nhưng khả năng được xét duyệt sẽ thấp hơn.
- Tham khảo kỹ các ngành được mở đào tạo từ phía Nga và đối chiếu với chuyên ngành của bạn.
- Nếu còn băn khoăn, hãy tham khảo ý kiến tư vấn từ các chuyên gia hoặc đơn vị có kinh nghiệm xử lý hồ sơ du học Nga để được hướng dẫn chi tiết.
Danh mục khối ngành theo quy định
Dưới đây là danh sách các ngành được quy định trong Danh mục Thống kê ngành đào tạo ban hành kèm theo Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có hiệu lực từ ngày 22/07/2022). Đây cũng chính là căn cứ để xác định ngành học hợp lệ khi đăng ký học bổng du học Nga của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Khối ngành thứ nhất: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên
- Khoa học giáo dục: Giáo dục học; Công nghệ giáo dục và Quản lý giáo dục;
- Đào tạo giáo viên: Các ngành đào tạo theo cấp bậc học, theo môn học.
Khối ngành thứ hai: Nghệ thuật
- Mỹ thuật: Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật; Hội họa; Đồ họa; Điêu khắc; Gốm; Mỹ thuật đô thị;
- Nghệ thuật trình diễn: Bao gồm các ngành liên quan đến Âm nhạc; Sân khấu; Múa; Điện ảnh Truyền hình;
- Nghệ thuật nghe nhìn: Nhiếp ảnh; Công nghệ điện ảnh, truyền hình; Thiết kế âm thanh, ánh sáng;
- Mỹ thuật ứng dụng: Thiết kế công nghiệp; Thiết kế đồ họa; Thiết kế thời trang; Thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh.
Khối ngành thứ ba: Nhân văn
- Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam: Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam; Hán Nôm và các ngành ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số;
- Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài: Các ngành ngôn ngữ nước ngoài;
- Khác: Triết học; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Tôn giáo học; Lịch sử; Ngôn ngữ học; Văn học; Văn hóa học; Quản lý văn hóa; Gia đình học.
Khối ngành thứ tư: Khoa học xã hội và hành vi
- Kinh tế học: Các ngành kinh tế;
- Khoa học chính trị: Chính trị học; Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước; Quản lý nhà nước; Quan hệ quốc tế;
- Xã hội học và Nhân học: Xã hội học; Nhân học;
- Tâm lý học: Tâm lý học; Tâm lý học giáo dục;
- Địa lý học: Địa lý học;
- Khu vực học: Các ngành liên quan đến nghiên cứu khu vực và quốc gia.
Khối ngành thứ năm: Báo chí và thông tin
- Báo chí và truyền thông: Các ngành liên quan đến Báo chí, Truyền thông, Quan hệ công chúng;
- Thông tin – Thư viện: Thông tin – Thư viện; Quản lý thông tin;
- Văn thư – Lưu trữ – Bảo tàng: Lưu trữ học; Bảo tàng học;
- Xuất bản – Phát hành: Xuất bản; Kinh doanh xuất bản phẩm
Khối ngành thứ sáu: Kinh doanh và quản lý
- Kinh doanh: Kinh doanh, Thương mại, Marketing, Bất động sản và các ngành liên quan;
- Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm: Tài chính – Ngân hàng; Bảo hiểm; Công nghệ tài chính;
- Kế toán – Kiểm toán: Kế toán; Kiểm toán;
- Quản trị – Quản lý: Các ngành liên quan (trừ các ngành thuộc nhóm Kinh doanh, ví dụ Quản trị kinh doanh thuộc nhóm Kinh doanh);
Khối ngành thứ bảy: Pháp luật
- Luật: Các ngành liên quan đến luật.
Khối ngành thứ tám: Khoa học sự sống
- Sinh học: Sinh học;
- Sinh học ứng dụng: Công nghệ sinh học; Kỹ thuật sinh học; Sinh học ứng dụng
Khối ngành thứ chín: Khoa học tự nhiên
- Khoa học vật chất: Thiên văn học; Vật lý học; Vật lý nguyên tử và hạt nhân; Cơ học; Hóa học; Khoa học vật liệu;
- Khoa học trái đất: Địa chất học; Bản đồ học; Địa lý tự nhiên; Khí tượng và khí hậu học; Thủy văn học; Hải dương học;
- Khoa học môi trường: Khoa học môi trường.
Khối ngành thứ mười: Toán và thống kê
- Toán học: Toán học; Khoa học tính toán; Khoa học dữ liệu; Toán ứng dụng; Toán cơ; Toán tin;
- Thống kê: Thống kê.
Khối ngành thứ mười một: Máy tính và công nghệ thông tin
- Máy tính: Các ngành liên quan đến máy tính, thông tin, phần mềm, trí tuệ nhân tạo;
- Công nghệ thông tin: Công nghệ thông tin; An toàn thông tin.
Khối ngành thứ mười hai: Công nghệ kỹ thuật
- Công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng: Các ngành liên quan đến kỹ thuật kiến trúc, xây dựng, giao thông;
- Công nghệ kỹ thuật cơ khí: Các ngành liên quan đến kỹ thuật cơ khí, chế tạo máy, cơ điện tử, nhiệt và bảo dưỡng công nghiệp;
- Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông: Các ngành liên quan đến điện, điện tử, điện tử viễn thông, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa;
- Công nghệ hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường: Các ngành liên quan đến vật liệu, kỹ thuật hóa học, hạt nhân, môi trường;
- Quản lý công nghiệp: Quản lý công nghiệp; Kinh tế công nghiệp; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng
- Công nghệ dầu khí và khai thác: Công nghệ dầu khí và khai thác dầu;
- Công nghệ kỹ thuật in: Công nghệ kỹ thuật in.
Khối ngành thứ mười ba: Kỹ thuật
- Kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật: Các ngành kỹ thuật liên quan đến cơ khí, cơ kỹ thuật, cơ điện tử, giao thông, in ấn;
- Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông: Các ngành kỹ thuật liên quan đến điện, điện tử viễn thông, điều hướng, y sinh, điều khiển tự động hóa;
- Kỹ thuật hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường: Các ngành kỹ thuật liên quan đến hóa học, vật liệu, dệt, môi trường
- Vật lý kỹ thuật: Vật lý kỹ thuật; Kỹ thuật hạt nhân;
- Kỹ thuật địa chất, địa vật lý và trắc địa: Kỹ thuật địa chất; Kỹ thuật địa vật lý; Kỹ thuật trắc địa – bản đồ;
- Kỹ thuật mỏ: Kỹ thuật mỏ; Kỹ thuật thăm dò và khảo sát; Kỹ thuật dầu khí; Kỹ thuật tuyển khoáng.
Khối ngành thứ mười bốn: Sản xuất và chế biến
- Chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống: Các ngành liên quan đến sau thu hoạch, chế biến thực phẩm, đồ uống, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm;
- Sản xuất, chế biến sợi, vải, giày, da: Các ngành liên quan đến dệt may, da giày;
Khối ngành thứ mười lăm: Kiến trúc và xây dựng
- Kiến trúc và quy hoạch: Các ngành liên quan đến quy hoạch, đô thị, kiến trúc, thiết kế nội thất, bảo tồn di sản kiến trúc;
- Xây dựng: Các ngành liên quan đến xây dựng, cơ sở hạ tầng, cấp thoát nước;
- Quản lý xây dựng: Kinh tế xây dựng; Quản lý xây dựng.
Khối ngành thứ mười sáu: Nông, lâm nghiệp và thủy sản
- Nông nghiệp: Các ngành liên quan đến khuyến nông, nông nghiệp, nông thôn và khoa học đất;
- Lâm nghiệp: Các ngành liên quan đến lâm nghiệp, lâm sinh, quản lý tài nguyên rừng;
- Thủy sản: Các ngành liên quan đến thủy sản.
Khối ngành thứ mười bảy: Thú y
- Thú y: Thú y
Khối ngành thứ mười tám: Sức khỏe
- Y học: Y khoa; Y học dự phòng; Y học cổ truyền;
- Dược học: Dược học; Hóa dược;
- Điều dưỡng – hộ sinh: Điều dưỡng; Hộ sinh;
- Dinh dưỡng: Dinh dưỡng;
- Răng – Hàm – Mặt (Nha khoa): Răng – Hàm – Mặt; Kỹ thuật phục hình răng
- Kỹ thuật Y học: Kỹ thuật xét nghiệm y học; Kỹ thuật hình ảnh y học; Kỹ thuật Phục hồi chức năng;
- Y tế công cộng: Y tế công cộng;
- Quản lý Y tế: Tổ chức và Quản lý y tế; Quản lý bệnh viện.
Khối ngành thứ mười chín: Dịch vụ xã hội
- Công tác xã hội: Công tác xã hội; Công tác thanh thiếu niên; Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
Khối ngành thứ hai mươi: Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân
- Du lịch: Du lịch; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
- Khách sạn, nhà hàng: Quản trị khách sạn; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống;
- Thể dục, thể thao: Quản lý thể dục thể thao; Huấn luyện thể thao;
- Kinh tế gia đình: Kinh tế gia đình.
Khối ngành thứ hai mươi mốt: Dịch vụ vận tải
- Khai thác vận tải: Khai thác vận tải; Quản lý hoạt động bay; Kinh tế vận tải; Khoa học hàng hải.
Khối ngành thứ hai mươi hai: Môi trường và bảo vệ môi trường
- Quản lý tài nguyên và môi trường: Quản lý tài nguyên và môi trường; Kinh tế tài nguyên thiên nhiên; Quản lý đất đai;
- Dịch vụ an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp: Bảo hộ lao động.
Khối ngành thứ hai mươi ba: An ninh, Quốc phòng
- An ninh và trật tự xã hội: Các ngành liên quan đến an ninh, cảnh sát, tư pháp, hành pháp, tham mưu, chỉ huy, cứu hộ hậu cần, tình báo;
- Quân sự: Các ngành liên quan đến chỉ huy, tham mưu, tình báo, đặc công, kỹ thuật quân sự;